Sở Tư pháp nhận được câu hỏi của bà Nguyễn Thị Nhung trên Cổng thông tin điện tử; câu hỏi có nội dung: "Tôi và chồng tôi hiện giờ vì một số lý do chưa đăng ký kết hôn. Chúng tôi sống chung và mới có con chung. Tôi muốn đăng ký làm giấy khai sinh cho cháu theo họ cha mà không cần giấy đăng ký kết hôn. Vậy thủ tục giấy tờ cần những gì?". Sở Tư pháp trả lời như sau:
1. Câu hỏi trên của bà Nguyễn Thị Nhung thuộc trường hợp yêu cầu kết hợp đồng thời giữa việc làm thủ tục đăng ký khai sinh cho con với thủ tục nhận cha cho con.
2. Căn cứ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 15 Thông tư 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ Tư pháp, thì có thể kết hợp đồng thời giải quyết 02 thủ tục trên cho công dân. Cụ thể như sau:
2.1. Về thẩm quyền giải quyết:
- Khi đăng ký khai sinh cho trẻ em mà có người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con thì UBND cấp xã nơi cư trú của cha hoặc mẹ kết hợp giải quyết thủ tục đăng ký khai sinh và thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con.
- Trường hợp đăng ký khai sinh kết hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con mà một bên có yêu cầu là người nước ngoài, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài thì thẩm quyền thuộc UBND cấp huyện nơi cư trú của cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam.
2.2. Về thành phần hồ sơ công dân phải nộp:
a) Đối với thủ tục đăng ký khai sinh kết hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện:
- Tờ khai đăng ký khai sinh theo mẫu;
- Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con theo mẫu;
- Giấy chứng sinh:
+ Trường hợp không có Giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có văn bản của người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh.
+ Trường hợp trẻ em sinh ra tại nước ngoài thì nộp Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp xác nhận về việc trẻ em được sinh ra ở nước ngoài và quan hệ mẹ - con (nếu có);
+ Trường hợp cha hoặc mẹ hoặc cả cha, mẹ là người nước ngoài thì phải nộp văn bản thỏa thuận của cha, mẹ về việc lựa chọn quốc tịch cho con. Trường hợp cha, mẹ lựa chọn quốc tịch nước ngoài cho con, thì ngoài văn bản thỏa thuận lựa chọn quốc tịch còn phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền nước mà trẻ được chọn mang quốc tịch về việc trẻ có quốc tịch phù hợp quy định của pháp luật nước đó.
- Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, con hoặc quan hệ mẹ, con gồm một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:
+ Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con;
+ Trường hợp không có chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con nêu trên thì phải có văn bản cam đoan của các bên nhận cha, mẹ, con, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con;
+ Trường hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài hoặc giữa người nước ngoài với nhau thì người nước ngoài phải nộp bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu để chứng minh về nhân thân.
b) Đối với thủ tục đăng ký khai sinh kết hợp nhận cha, mẹ, con thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp xã:
- Tờ khai đăng ký khai sinh theo mẫu;
- Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con theo mẫu;
- Bản chính Giấy chứng sinh; trường hợp không có Giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh;
- Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, con hoặc quan hệ mẹ, con gồm:
+ Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.
+ Trường hợp không có văn bản nêu trên thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con.