Sau 6 năm thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của BCH Trung ương Đảng về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCH, các cơ chế, chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển doanh nghiệp tư nhân đã được Quảng Ninh tập trung hoàn thiện. Tỉnh luôn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khu vực tư nhân phát triển, coi doanh nghiệp là động lực phát triển bền vững của địa phương.
Dây chuyền sản xuất sợi tại Nhà máy sản xuất sợi Texhong Ngân Hà (KCN Cảng biển Hải Hà).
Sau khi có Nghị quyết số 10-NQ/TW, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 16-CTr/TU triển khai thực hiện nghị quyết. Theo đó, các địa phương, sở, ban, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, quán triệt, tuyên truyền đầy đủ nội dung nghị quyết và chương trình hành động của tỉnh tới cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lãnh đạo các doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn, nhằm nâng cao nhận thức về phát triền kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Để thúc đẩy phát triển, tỉnh đã nỗ lực hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư tư nhân và bảo đảm hoạt động của kinh tế tư nhân theo cơ chế thị trường. Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 05-NQ/TU về đẩy mạnh cải cách hành chính, đấy mạnh môi trường đầu tư kinh doanh giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030; Nghị quyết số 09-NQ/TU về chuyển đổi số toàn diện tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 13-NQ/TU về phát triển KHCN và đổi mới, sáng tạo đến năm 2030. HĐND tỉnh đã ban hành 13 nghị quyết để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, như: Nghị quyết 148/2018/NQ-HĐND về hỗ trợ doanh nghiệp tới năm 2020; Nghị quyết 155/NQ-HĐND ngày 12/7/2023 về một số giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững đến năm 2025, trong đó tập trung vào nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực nguồn vốn, đất đai, mở rộng thị trường...
Ngoài ra, tỉnh đã ban hành văn bản về cơ chế, chính sách quản lý và hỗ trợ phát triển các tổ chức nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KHCN, nâng cao năng lực công nghệ của doanh nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, nhập khẩu và ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh. Giai đoạn 2021-2023, tỉnh đã triển khai hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân hoạt động KHCN trên địa bàn với tổng kinh phí trên 1,7 tỷ đồng. Cùng với đó, thực hiện xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng KCN, KKT, hạ tầng cảng biển và dịch vụ cảng biển; tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực cho khu vực tư nhân.
Để khuyến khích đầu tư của khu vực tư nhân, tỉnh cũng tổ chức các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư bằng nhiều hình thức, trực tiếp thông qua các hội nghị do tỉnh, các bộ, ngành Trung ương tổ chức để quảng bá hình ảnh, giới thiệu về môi trường đầu tư kinh doanh, định hướng thu hút đầu tư, các cơ hội đầu tư vào Quảng Ninh; chú trọng tổ chức các đoàn công tác đi xúc tiến đầu tư, kết nối thương mại, du lịch, ngoại giao tại nước ngoài; tăng cường xây dựng mối quan hệ thường xuyên với các tổ chức quốc tế… Đồng thời, thành lập các tổ công tác hỗ trợ dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh; tổ công tác hỗ trợ triển khai các dự án động lực của tỉnh để giải quyết nhanh chóng những thủ tục đầu tư, kinh doanh, đất đai, GPMB…
Dự án Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City (phân khu 1) đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng đón mùa du lịch năm 2024.
Thể chế hóa Nghị quyết số 10-NQ/TW đã được Quảng Ninh triển khai đồng bộ, thống nhất, bảo đảm đúng với quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp, qua đó góp phần đưa nghị quyết vào cuộc sống. Đến nay, sau hơn 6 năm thực hiện, số lượng và quy mô khu vực kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh đã tăng đáng kể. Giai đoạn 2017-2023 có 10.555 doanh nghiệp thành lập mới, cao hơn 1,7 lần mức trung bình giai đoạn 2011-2016. Tính đến nay, toàn tỉnh có 16.718 doanh nghiệp và chi nhánh đăng ký hoạt động, vốn đăng ký đạt 341.000 tỷ đồng.
Hiện nay, tỉnh có khoảng 300 doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân có quy mô lớn, nguồn lực mạnh, tăng 50% so năm 2015, trước thời điểm có Nghị quyết số 10-NQ/TW. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2023 ước đạt 294.058 tỷ đồng (năm 2021 đạt 88.728 tỷ đồng; năm 2022 đạt 97.766 tỷ đồng; dự kiến năm 2023 đạt 107.565 tỷ đồng); bình quân giai đoạn 2021-2023 tăng 10,2%/năm, trong đó khu vực doanh nghiệp tư nhân chiếm khoảng 70% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Song song với việc phát triển về số lượng, khu vực kinh tế nhân đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế (GRDP) và thu NSNN trên địa bàn tỉnh. Nếu như năm 2017, khu vực kinh tế tư nhân chỉ chiếm 10% tổng thu NSNN thì đến năm 2022 đóng góp là 6.304 tỷ đồng, chiếm 14% trong tổng số thu NSNN dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Tốc độ tăng thu bình quân hằng năm trong giai đoạn 2017-2022 đạt 115%/năm.
Khu vực tư nhân không chỉ đóng góp quan trọng về kinh tế của tỉnh, mà cả về xã hội, đó là giải quyết lao động, việc làm. Đội ngũ doanh nhân trên địa bàn tỉnh ngày càng lớn mạnh, tinh thần kinh doanh, đổi mới và khát vọng vươn lên của khu vực kinh tế tư nhân ngày càng mạnh mẽ, trách nhiệm xã hội, đạo đức, văn hóa ngày càng lan tỏa sâu rộng.