Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh làm việc với ngành Ngân hàng Quảng Ninh

22/10/2024 09:26

Chiều 18/10, Đoàn ĐBQH tỉnh đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Quảng Ninh và các tổ chức tín dụng trên địa bàn về tình hình hoạt động ngành Ngân hàng Quảng Ninh 9 tháng năm 2024; việc triển khai và kết quả thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng của cơn bão số 3; trao đổi, thảo luận về khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Dự buổi làm việc có các đồng chí: Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Trần Thị Kim Nhung, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh; cùng đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Quảng Ninh và các tổ chức tín dụng trên địa bàn.

Toàn cảnh buổi làm việc

Trong 9 tháng năm 2024, ngành Ngân hàng Quảng Ninh đã bám sát các nghị quyết, chỉ đạo, điều hành của Trung ương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và của tỉnh, triển khai thực hiện kịp thời, quyết liệt các chủ trương, định hướng, giải pháp về điều hành chính sách tiền tệ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp được tăng cường để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp. Các chi nhánh ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, tín dụng ưu đãi.

Đồng chí Nguyễn Đức Hiển - Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại buổi làm việc

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trên địa bàn tỉnh có trên 21.300 khách hàng với tổng dư nợ gần 48.000 tỷ đồng bị ảnh hưởng do bão số 3. Dư nợ bị thiệt hại trên 10.600 tỷ đồng. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh và Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 12.600 khách hàng với dư nợ hơn 871 tỷ đồng; giảm lãi suất cho vay đối với gần 5.600 khách hàng với tổng dư nợ 18.290 tỷ đồng. Thực hiện cho vay mới đối với gần 3.900 khách hàng với tổng số tiền gần 1.500 tỷ đồng, trong đó Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay gần 3.000 khách hàng với dư nợ 208 tỷ đồng.

Tại buổi làm việc, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh và các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã đề xuất, kiến nghị một số giải pháp để hỗ trợ nhân dân, doanh nghiệp khắc phục hậu quả bão số 3 gây ra; xem xét sửa đổi đối với 1 số điều Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống thiên tai; các quy định về khoanh nợ, giãn nợ trong điều kiện bất khả kháng…

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh và các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Bảo đảm tín dụng hài hòa với diễn biến kinh tế nhằm góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng.

Bên cạnh đó, triển khai hiệu quả Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”. Thực hiện có hiệu quả Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025; Chiến lược phát triển công nghệ thông tin ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mặt khác, cải cách mạnh mẽ quy định, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Đồng chí Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại buổi làm việc

Đồng chí đề nghị trước mắt, các ngân hàng tiếp tục đồng hành cùng tỉnh để có các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu thiệt hại nặng nề sau bão số 3. Chú trọng đến các vấn đề về việc xác định mức cho vay không có tài sản bảo đảm phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; việc xử lý rủi ro đối với các khoản nợ của khách hàng gặp khó khăn, thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 3; hỗ trợ khách hàng khôi phục lại sản xuất, kinh doanh, nhất là các trường hợp không còn tài sản để thế chấp tiền vay; việc khoanh nợ; việc cho vay mới để khách hàng khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh…

Đối với các kiến nghị tại buổi làm việc, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp thu, tổng hợp đề xuất với Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành liên quan, rà soát xem xét, giải quyết.

 

Báo Quảng Ninh


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 37
Đã truy cập: 369756