Đòn bẩy phát triển vùng DTTS huyện Tiên Yên

07/11/2024 17:04

Tiên Yên là huyện miền núi có đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 52% dân số. Từ địa phương có xuất phát điểm thấp, bằng sự quan tâm sâu sát của tỉnh, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và những giải pháp sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới (NTM), Tiên Yên đã trở thành một trong hai huyện đầu tiên cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện NTM nâng cao năm 2023.


Diện mạo xã vùng cao Hà Lâu (Tiên Yên) ngày càng khởi sắc từ chương trình xây dựng NTM. Ảnh: Trần Hoàn (CTV)

Bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng NTM, huyện Tiên Yên đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó hạn chế nhất là hạ tầng giao thông ở những xã vùng sâu, vùng xa, miền núi bị chia cắt. Để thúc đẩy phát triển khu vực đồng bào DTTS, miền núi và thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM, Tiên Yên đã tích cực huy động nguồn lực, chú trọng đầu tư nhiều công trình hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối. Điển hình là tuyến đường giao thông nối từ trung tâm xã Đại Dực đến trung tâm xã Đại Thành (cũ) được hoàn thành trong tháng 10/2023. Công trình tổng mức đầu tư 153 tỷ đồng bằng nguồn vốn của tỉnh và huyện. Với chiều dài dài hơn 7km, con đường đã mở ra hy vọng phát triển mạnh mẽ cho người dân Đại Dực trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ có tuyến đường mới, cuộc sống của đồng bào các dân tộc xã Đại Dực đã thay đổi từng ngày.

Ông Đặng Văn Thanh, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Khe Ngàn, xã Đại Dực, huyện Tiên Yên, chia sẻ: Trước đây tuyến đường nhỏ hẹp đi vòng vèo qua các sườn núi từ trung tâm xã Đại Dực đến trung tâm xã Đại Thành dài trên 40km. Nay, con đường mới đi tắt qua núi Cổng Trời nên rút ngắn chỉ còn 7,5km. Từ khi có con đường mới, người dân phấn khởi lắm, bà con đi lại dễ dàng, buôn bán thuận lợi hơn. Nhiều hộ trong thôn, xã còn mở thêm các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, du lịch… Nhờ đó, đời sống của người dân được nâng lên.


Đường giao thông nối từ trung tâm xã Đại Dực đến trung tâm xã Đại Thành được đưa vào sử dụng tạo thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế.

Trong giai đoạn 2019-2024, huyện đã xây dựng và hoàn thành 48 công trình trọng điểm với tổng kinh phí trên 615 tỷ đồng; 10/10 xã đã có cơ sở hạ tầng đáp ứng đạt chuẩn NTM nâng cao đến NTM kiểu mẫu; đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt cộng đồng người DTTS ở các xã vùng cao… qua đó, nâng cao chất lượng đời sống cho đồng bào các DTTS trên địa bàn. Toàn huyện đã có trên 440km đường giao thông, trong đó có trên 16km là đường quốc lộ và đường tỉnh, 30km đường huyện, còn lại gần 245km đường thôn, ngõ xóm, nội đồng đều được đầu tư thảm nhựa hoặc bê tông, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng NTM, với quan điểm xuyên suốt người dân thực sự vừa là chủ thể, vừa là mục tiêu, huyện Tiên Yên đã xây dựng lộ trình, đề ra giải pháp thực hiện, phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ người, rõ việc. Huyện đã kiện toàn bộ máy lãnh đạo từ huyện đến cơ sở gắn với nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình xây dựng NTM. Đồng thời, thuyết phục, lôi cuốn sự đồng thuận vào cuộc của nhân dân, xây dựng các công trình động lực, các mô hình phát triển kinh tế, sản xuất hộ gia đình với các sản phẩm cụ thể, thiết thực và thuyết phục. Qua đó, nhận thức của người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS, miền núi đã từng bước thay đổi, xóa bỏ dần tâm lý “trông chờ, ỷ lại”, sang chủ động, tích cực. Từ đó, phong trào xây dựng NTM lan tỏa rộng khắp trong toàn huyện, kết thúc năm 2019, huyện đã hoàn thành vượt kế hoạch trước một năm, đưa 4 xã và 18 thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn. Tiên Yên trở thành huyện dân tộc, miền núi phía Bắc đầu tiên về đích NTM.

Với quan điểm xây dựng NTM không có điểm dừng, huyện Tiên Yên tiếp tục hành trình xây dựng huyện NTM nâng cao. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Tiên Yên đã chủ động xác định chuyển hướng từ “lượng” sang “chất”; lấy người dân là chủ thể, trực tiếp thực hiện và được thụ hưởng; nhà nước giữ vai trò định hướng, hỗ trợ; đầu tư của doanh nghiệp và các phong trào thi đua là động lực. Theo đó, nhiều phong trào thi đua thiết thực được triển khai rộng khắp. Chỉ trong 3 năm (2020-2023), nhân dân trên địa bàn đã hiến 150.000m2 đất để xây dựng đường liên thôn; các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng mới 74 nhà ở đại đoàn kết; toàn huyện xây dựng trên 20.345m đường hoa và 1.232m2 tranh tường; 10.183 hộ gia đình sử dụng thùng rác có nắp đậy đạt chuẩn; 76 tuyến đường với chiều dài trên 38km được thắp sáng... Hạ tầng nông thôn được tỉnh quan tâm đầu tư đồng bộ, hệ thống điện - đường - trường - trạm ngày càng khang trang, thiết chế văn hóa ngày càng đồng bộ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa cho nhân dân. Đặc biệt, tính đến hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS, miền núi huyện Tiên Yên đạt 73,8 triệu đồng/năm, tăng 1,47 lần so với năm 2019. Toàn huyện không còn hộ nghèo theo tiêu chí Trung ương quy định.

Cao Quỳnh


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin sở ban ngành
Bản đồ

Lịch công tác trống

Tin tiêu điểm
Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 5797
Đã truy cập: 71869895

© Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh

Giấy phép xuất bản: số 53/GP-TTĐT ngày 27/05/2015 - Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông.

- Cơ quan chủ quản: Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh.

- Cơ quan quản lý nhà nước và thường trực kỹ thuật: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh.

- Quản lý nội dung trang chủ: Trung tâm Truyền thông tỉnh.

- Quản lý nội dung các Cổng thành phần: Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức. 

Ghi rõ nguồn "Quảng Ninh Portal" khi phát hành lại thông tin từ  Website này.