Từ nhiều năm qua, mô hình CLB văn hóa, văn nghệ quần chúng luôn được chú trọng duy trì, có bước phát triển mạnh mẽ góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc, rút ngắn khoảng cách hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật giữa các địa phương trong tỉnh.
CLB Hát Soọng cô xã Bình Dân, huyện Vân Đồn tập luyện trên cánh đồng làng.
Đến nay, chưa có thống kê đầy đủ về số lượng các CLB văn nghệ trên địa bàn tỉnh, chỉ biết rằng, các CLB đang tồn tại với nhiều hình thức rất đa dạng. Tại các địa phương trong tỉnh, các CLB chịu sự quản lý của các tổ chức hội văn học nghệ thuật, văn nghệ dân gian, hội phụ nữ hoặc UBND các xã. Riêng Hội Văn nghệ Dân gian Quảng Ninh cũng đã thành lập và hỗ trợ hoạt động chuyên môn cho 48 CLB, trong đó có nhiều CLB văn nghệ của đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhiều hội viên cao niên đã tham gia xây dựng các CLB hát đối giao duyên, hát cấp sắc… ở Hạ Long; Hát then, hát soóng cọ, hát cấp sắc ở Bình Liêu, Tiên Yên, Hải Hà, Ba Chẽ… Có thể kể ra một số CLB hoạt động sôi nổi, như: CLB hát then, đàn tính thị trấn Bình Liêu, CLB hát soóng cọ xã Húc Động (huyện Bình Liêu), CLB hát then tại các xã Hà Lâu, Phong Dụ, Điền Xá (Tiên Yên); CLB hát soóng cọ Đại Dực, CLB hát đối dân tộc Dao xã Đông Ngũ (huyện Tiên Yên). Trong việc bảo tồn văn hoá dân tộc Dao ở Quảng Ninh đã có 5 CLB tham gia, gồm 2 CLB thêu trang phục tại xã Quảng Sơn (huyện Hải Hà) và 3 CLB hát giao duyên tại Tiên Yên, Bình Liêu, Hạ Long.
Đặc biệt, nhiều nghệ nhân đã đưa di sản văn hóa vào trường học trong các giờ ngoại khoá, biểu diễn phục vụ cho các lễ hội địa phương. Đây là môi trường tốt để các nghệ nhân có đất thực hành và truyền dạy vốn di sản văn hóa quý báu của các dân tộc. Từ môi trường này, nhiều nghệ nhân đã được phong tặng các danh hiệu vinh dự nhà nước. Từ năm 2009 đến nay, Quảng Ninh có 73 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian Việt Nam, 2 Nghệ nhân Nhân dân, 36 Nghệ nhân Ưu tú, trong đó có nhiều nghệ nhân là người dân tộc thiểu số.
Nhiều địa phương trong tỉnh đã hỗ trợ tốt cho các câu lạc bộ hoạt động có hiệu quả. Huyện Bình Liêu đã lồng ghép việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc bằng các cách làm sinh động, hoạt động ngoại khoá, trải nghiệm học mà chơi, chơi mà học của các CLB trong nhà trường. Các CLB được mở ra nhằm dạy hát then của người Tày, hát soóng cọ của người Sán Chỉ, hát sán cố, hát pả dung của người Dao Thanh Phán… với sự tham gia “cầm tay chỉ việc” của các nghệ nhân ở Trung tâm TT-VH huyện.
Theo số liệu chưa đầy đủ, hiện ở huyện Bình Liêu đã có gần 20 CLB văn nghệ dân gian trong các trường học. Nhiều trường đã thành lập mới các CLB truyền thống, mở các lớp học để các nghệ nhân trao truyền giá trị văn hóa truyền thống như: CLB Đàn tính - hát then, CLB Hát pả dung ở Trường Mầm non Đồng Văn, CLB Soóng cọ ở Trường THCS Húc Động...
Các thành viên trong Câu lạc bộ xã Bằng Cả, TP Hạ Long cùng nhau thêu trang phục truyền thống.
Tại huyện Vân Đồn, dù cuộc sống thôn quê bình dị đã có nhiều đổi thay trong tiến trình đô thị hóa, nhưng cộng đồng dân tộc Sán Dìu nơi đây vẫn luôn nuôi dưỡng tình yêu với lời ca tiếng hát soọng cô, bảo tồn sinh hoạt văn hóa, phong tục, tập quán của đồng bào Sán Dìu. Để di sản văn hóa này không bị mai một đi trong guồng quay cuộc sống hiện đại, nhiều mô hình bảo tồn truyền thống đã được người dân xã Bình Dân tích cực tham gia hưởng ứng. Trong đó, phải kể đến CLB hát Soọng cô do Hội LHPN xã thành lập, tập hợp đông đảo thành viên từ nhiều lứa tuổi cùng tham gia.
Còn ở huyện Hải Hà, từ năm 2018 trở lại đây, huyện đã phát triển thêm 14 CLB văn nghệ dân gian. Huyện hiện có 1 Nghệ nhân Ưu tú thuộc lĩnh vực thêu truyền thống dân tộc Dao Thanh Phán là bà Diềng Chống Sếnh ở xã Quảng Sơn. Từ năm 2023 đến nay, huyện mở nhiều lớp tập huấn, truyền dạy và phục dựng các nghi lễ, nghề truyền thống, văn hóa phi vật thể, như: Lớp truyền dạy lễ cấp sắc dân tộc Dao, lớp dạy nghề thêu thủ công dân tộc Dao Thanh Y, Dao Thanh Phán... cho 150 thành viên của các CLB văn nghệ dân gian. Các nghệ nhân cũng tích cực đưa loại hình nghệ thuật văn hóa dân gian vào chương trình giáo dục địa phương và sinh hoạt ngoại khóa của học sinh trên địa bàn huyện.
Gần như là CLB hát Sình Ca duy nhất của dân tộc Sán Chay trong toàn tỉnh là CLB hát dân ca Sán Chay xã Thanh Sơn. CLB hiện có 16 thành viên, trong đó có 10 nữ. Nghệ nhân dân gian Lục Văn Bình, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch MTTQ xã Thanh Sơn là người Sán Chay và hiện được xem là người có công lớn trong việc duy trì các CLB dân ca dân tộc Sán Chay ở Ba Chẽ. Ông Bình tích cực theo học hát Sình Ca từ các nghệ nhân cao niên. Nhận thấy dân ca của dân tộc mình có nguy cơ thất truyền, ông đã cùng với Hội Phụ nữ xã Thanh Sơn thành lập CLB và đang cố gắng lưu giữ, bảo tồn, truyền dạy lại cho thế hệ trẻ.