“Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam” - lời Bác Hồ dạy luôn được khắc ghi sâu sắc bởi lịch sử là nền tảng, động lực cho sự phát triển. Việc giáo dục truyền thống lịch sử cho học sinh - thế hệ tương lai của đất nước càng được huyện Ba Chẽ chú trọng.
Với mục tiêu chú trọng công tác giáo dục, nâng cao kiến thức về lịch sử văn hóa địa phương, tạo sân chơi bổ ích, sinh động, lành mạnh cho học sinh, các trường học trên địa bàn huyện Ba Chẽ đã phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh các nhà trường tổ chức giờ học lịch sử, địa lý địa phương tại các điểm di tích của huyện. Tại Khu di tích quốc gia Miếu Ông - Miếu Bà, các em học sinh được giới thiệu về lịch sử văn hóa; thực hành vẽ sơ đồ tư duy thể hiện những hiểu biết của bản thân về khu di tích lịch sử, cùng hòa mình vào những trò chơi dân gian. Chương trình vừa giúp các em hiểu thêm giá trị lịch sử truyền thống của dân tộc, vừa giúp các em được giải trí và phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó, rèn luyện sức khỏe để học tập hiệu quả.
Một giờ sinh hoạt ngoại khóa tại Khu Di tích Miếu Ông - Miếu Bà. Ảnh: Trung tâm TT-VH huyện
Bên cạnh việc cho học sinh học tập về lịch sử Đảng bộ huyện, huyện Ba Chẽ đã biên soạn và phát hành Tài liệu giáo dục truyền thống và lịch sử huyện Ba Chẽ cho cấp tiểu học và THCS. Đặc biệt, năm 2023, 2024 cùng với việc thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW, ngành giáo dục đã đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh và bền vững”; tuyên truyền sâu rộng các cuốn sách Đảng bộ huyện Ba Chẽ và tỉnh Quảng Ninh, đưa lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống địa phương vào các chương trình dạy học cấp tiểu học (khối 4,5) và THCS. Riêng cấp học mầm non tổ chức chuyên đề: Lấy trẻ làm trung tâm trong tổ chức hoạt động phát triển “Ngôn ngữ và văn hóa dân tộc”, “phát triển nhận thức” cho trẻ mầm non với chuỗi chương trình ngoại khóa: “Ngày Tết quê em”, “Em làm chú bộ đội”; trải nghiệm tham quan Ban Chỉ huy Quân sự huyện. Học sinh cấp THPT được tham gia vào các phiên chợ vùng cao, hoạt động Stem tìm hiểu văn hóa, trang phục và ẩm thực truyền thống của các dân tộc. Tùy từng độ tuổi và cấp học, các em học sinh được tham gia vào các câu lạc bộ tìm hiểu lịch sử, giữ gìn, xây dựng bản sắc văn hóa.
Học sinh Ba Chẽ thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách dịp 27/7. Ảnh: Huyện Đoàn Ba Chẽ
Việc xây dựng và thực hiện chương trình giáo dục lịch sử truyền thống và bản sắc văn hóa các dân tộc tại địa phương với các giải pháp đồng bộ đã góp phần củng cố lòng tin và niềm tự hào của thế hệ trẻ vào các giá trị nhân văn tốt đẹp, giá trị lịch sử; qua đó tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc, giúp các em tự tin, tự hào; xây dựng cảm xúc, lý tưởng đúng đắn, góp phần xây dựng cuộc sống của bản thân, gia đình và xã hội ngày một tốt đẹp hơn...
Với quan điểm “Sự chuyển biến lớn sẽ bắt đầu từ những việc nhỏ”; trong thời gian tới giáo dục Ba Chẽ tiếp tục nâng chất việc tổ chức các chương trình, hoạt động giáo dục văn hóa, lịch sử sát với yêu cầu thực tế; đặc biệt coi trọng việc bồi dưỡng tại chỗ, hàng ngày, bằng cách tổ chức đa dạng, sáng tạo các hình thức giáo dục lịch sử; chú trọng gìn giữ bản sắc dân tộc địa phương nơi giảng dạy. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý từ huyện đến trường nêu cao tinh thần gương mẫu, yêu thương, đoàn kết đồng nghiệp; để từ môi trường thân ái đó tạo động lực, nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương, đạo đức nghề nghiệp của giáo viên toàn ngành. Thầy cô tâm huyết với nghề, gắn bó với học sinh, có kiến thức và am hiểu văn hóa địa phương sẽ quyết định hiệu quả giáo dục vùng dân tộc thiểu số; tiếp tục nỗ lực, đổi mới phương pháp dạy học, đưa lịch sử địa phương, văn hóa mỗi dân tộc đến gần hơn với học sinh.