Giáo dục di sản thông qua việc tổ chức hoạt động trải nghiệm tại các di tích văn hóa, quảng bá, giới thiệu văn hoá địa phương là những cách làm hữu ích để phát huy giá trị di sản cũng như khơi dậy, bồi đắp tình yêu quê hương cho thế hệ trẻ.
Nghệ nhân Ưu tú Phạm Thị Hợp, xã Cẩm La, TX Quảng Yên truyền dạy hát đúm cho học sinh.
Di sản là nguồn tài nguyên tri thức phong phú, là tài sản không chỉ có ý nghĩa to lớn đối với công tác giáo dục lịch sử truyền thống, văn hoá cho thế hệ trẻ, mà còn được coi là một trong những nguồn lực có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 600 di tích, cụm di tích lịch sử - văn hoá và danh thắng, trong đó có 8 di tích quốc gia đặc biệt, 1 di sản thiên nhiên thế giới, trên 50 di tích cấp quốc gia, trên 80 di tích cấp tỉnh, trên 470 di tích đã được kiểm kê, phân loại. Hệ thống di sản của tỉnh có ý nghĩa, giá trị nhiều mặt, là tài liệu có giá trị phản ánh quá khứ với những sự kiện lịch sử hiện hữu sinh động, được lưu giữ đến nay, có nhiều ưu thế trong dạy học lịch sử.
Giáo dục di sản văn hoá sẽ trang bị cho học sinh, sinh viên và nhân dân những hiểu biết cơ bản về giá trị văn hóa, lịch sử cũng như truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của quê hương Quảng Ninh. Từ đó, mỗi học sinh, sinh viên, người dân thêm hiểu, tự hào, có ý thức bảo vệ, giữ gìn di tích lịch sử, di sản văn hóa cha ông để lại. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, các địa phương, trường học các cấp trong tỉnh cần triển khai thực hiện trong thời gian tới nhằm cụ thể hoá các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “về xây dựng và phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”.
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Ba Chẽ làm mặt nạ Ka đong.
Từ năm học 2019-2020, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo dục địa phương là nội dung bắt buộc. Theo đó, ở cấp tiểu học, nội dung giáo dục địa phương được tích hợp với hoạt động trải nghiệm. Ở cấp THCS và THPT, nội dung giáo dục địa phương có vị trí tương đương các môn học khác.
Đến nay, Quảng Ninh đã trình Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt nội dung tài liệu giáo dục địa phương 12 lớp. Việc biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục địa phương hoàn thành và vượt tiến độ trước 3 năm theo lộ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sau khi được phê duyệt, giáo viên sẽ sử dụng tài liệu. Hiện nay, 100% các trường đã triển khai nội dung giáo dục địa phương theo đúng hướng dẫn của các cấp.
Trường Tiểu học Thị trấn Ba Chẽ trải nghiệm vẽ tranh và thuyết trình về di tích miếu Vua Bà.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 640 trường thuộc cơ sở giáo dục từ mầm non, phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên với trên 360.000 học sinh. Đội ngũ giáo viên các môn thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đã tích hợp, lồng ghép đưa nội dung giáo dục di sản, giáo dục lịch sử truyền thống, giáo dục địa phương vào giảng dạy trong các cấp học, bậc học trong hệ thống giáo dục quốc dân thông qua các chương trình ngoại khóa.
Các trường dân tộc nội trú, các trường có đông học sinh là người dân tộc thiểu số đã lồng ghép nội dung giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương, văn hoá các dân tộc vào các tiết sinh hoạt hằng tuần. Học sinh mặc trang phục dân tộc vào thứ 2 hằng tuần và các ngày lễ lớn của dân tộc, của địa phương. Học sinh cũng sưu tầm tài liệu lịch sử, văn hóa quê hương; làm, chế tác, biểu diễn văn hoá dân tộc, đưa bộ môn giáo dục địa phương tương xứng với các môn khoa học cơ bản khác.
Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc tham quan Bảo tàng Quảng Ninh.
Hạ Long hiện là địa phương rất tích cực tổ chức các chương trình ngoại khóa cho học sinh. Nhiều trường học lựa chọn những “địa chỉ đỏ” mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa của thành phố, hoặc là đưa học sinh đến bảo tàng để giáo dục di sản. Nhiều trường học của thành phố cũng tổ chức các hoạt động quảng bá sản phẩm vùng miền để lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp của địa phương, phát triển du lịch.
Cùng với kiến thức từ sách vở, những trải nghiệm thực tế sẽ giúp thế hệ trẻ tiếp thu nhiều điều bổ ích, góp phần giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc và kích cầu hoạt động du lịch tại địa phương. Nhìn chung, các hoạt động giáo dục di sản đã giúp thế hệ trẻ hiểu sâu sắc hơn về truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng, quyết tâm thi đua, học tập và ra sức xây dựng quê hương, đất nước thêm giàu đẹp.