Quảng Ninh: Tăng trưởng kinh tế (GRDP) sẽ tiếp tục duy trì ở mức 2 con số trong năm 2023 (congluan.vn; 21/9)
Nghề biển đảo góp phần vào giải quyết việc làm, ổn định đời sống người dân và tăng cường công tác bảo vệ chủ quyền quốc gia. Ảnh: Nguyễn Quân.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, Quảng Ninh tiếp tục đạt mức tăng trưởng kinh tế GRDP hết sức ấn tượng (khoảng 9,94%); đây là cơ sở để tỉnh này duy trì năm thứ 8 liên tục đạt tăng trưởng ở mức 2 con số.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ninh, 9 tháng năm 2023 tỉnh này tiếp tục đạt nhiều thành tích nổi bật, toàn diện trên mọi lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước tăng 9,94%, đi đầu là khu vực dịch vụ tăng gần 12,8%, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng trên 9%. Ước có khoảng 13 triệu lượt du khách đến Quảng Ninh và khoảng 26.460 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động này (lần lượt tăng 41,7% và 34,8% so cùng kỳ).
Kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh ước đạt 3,1 tỷ USD (tăng 14,15% cùng kỳ). Thu ngân sách đạt gần 40,7 nghìn tỷ đồng, trong đó, thu nội địa khoảng 28,7 nghìn tỷ đồng (tăng 4% và 3% so cùng kỳ). Thu hút vốn đầu tư trong nước ước đạt 45,4 nghìn tỷ đồng (tăng 33,8% cùng kỳ); đầu tư nước ngoài FDI đạt khoảng 854 triệu USD (đạt 85,4% kế hoạch). Tạo thêm việc làm mới cho khoảng 19.369 người (tăng hơn 2 lần so cùng kỳ).
Công tác quy hoạch, đất đai, tài nguyên và môi trường, chuyển đổi số được thúc đẩy mạnh mẽ. An sinh xã hội được đảm bảo, đời sống người dân, nhất là khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo được nâng cao, được thụ hưởng thành quả phát triển chung. Cơ bản hoàn thành việc xóa nhà ở tạm, nhà dột nát mới phát sinh. Quốc phòng, an ninh, chủ quyền biên giới, biển đảo được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ…
Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã thông qua mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GRDP) trong năm 2023 là trên 11%, thu ngân sách 54 nghìn tỷ đồng. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ này, trong Quý IV tới, tỉnh này cần phải phấn đấu GRDP đạt mức tăng 14,5% và khoảng 13,2 nghìn tỷ đồng thu ngân sách.
Quảng Ninh: Phấn đấu là địa phương đi đầu trong phát triển giáo dục thông minh (Đại đoàn kết; 21/9)
Quảng Ninh đặt mục tiêu phấn đấu là một trong những tỉnh, thành phố đi đầu trong phát triển giáo dục thông minh, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục, dạy học và đánh giá chất lượng…
Ngày 20/9, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh họp bàn về 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của BCH trung ương Đảng khóa XI (Nghị quyết số 29) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Nhìn lại chặng đường 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29, Quảng Ninh đã triển khai hiệu quả các giải pháp với mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tỉnh đã thực hiện đồng bộ với các cơ chế, chính sách, nguồn lực ưu tiên cho phát triển giáo dục và đào tạo. Quy mô giáo dục không ngừng được mở rộng, cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu học tập của nhân dân. Hiện tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia tại tỉnh đạt trên 89%. Cùng với đó, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có bước phát triển mới, cơ bản bảo đảm về số lượng, hợp lý về cơ cấu, nâng cao về chất lượng (tỷ lệ giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn đạt 84,2%), phân bố khá toàn diện ở các cấp học, địa bàn. Khoảng cách chênh lệch về cơ hội tiếp cận và chất lượng dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo giữa các vùng miền ngày càng được thu hẹp. Quảng Ninh cũng đã được công nhận đạt phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 2, đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2…
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đánh giá cao tinh thần quyết tâm, quyết liệt của các đơn vị, địa phương trong đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị, địa phương, các cơ sở giáo dục trong tỉnh phải quán triệt nghiêm túc, đầy đủ Chỉ thị số 38-CT/TU ngày 5/9/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhằm tiếp tục đổi mới, tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng giáo dục trong giai đoạn tới.
Theo đó, Quảng Ninh đặt mục tiêu phấn đấu là một trong những tỉnh, thành phố đi đầu trong phát triển giáo dục thông minh, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục, dạy học và đánh giá chất lượng; chậm nhất đến năm 2030, nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về trình độ, chất lượng phát triển giáo dục, đào tạo, một trong những trung tâm giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của Vùng; tỉnh học tập tham gia mạng lưới thành phố, tỉnh học tập toàn cầu của UNESCO.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh cũng yêu cầu UBND tỉnh xây dựng các kế hoạch, đề án cụ thể hóa Chỉ thị số 38-CT/TU để lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện; cân đối, ưu tiên bố trí nguồn lực ngân sách địa phương, kết hợp với huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực xã hội theo quy định đầu tư, phát triển giáo dục đào tạo; thường xuyên sâu sát theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra, đánh giá việc tổ chức thực hiện đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương…
Quảng Ninh sẽ có thêm một thành phố với mô hình phố trong làng (Lao động; 21/9)
Với những kế hoạch, bước đi cụ thể đã vạch ra, thị xã Đông Triều phấn đấu hoàn thành trong năm 2023 sẽ trở thành thành phố thứ 5 của tỉnh Quảng Ninh và đạt các tiêu chí của đô thị loại II trước năm 2030.
Một trong những điểm nhấn của địa phương là xây dựng mô hình "đô thị trong nông thôn, phố trong làng", có nghĩa là phát triển nông nghiệp đô thị đúng hướng, đúng trọng tâm, có tính liên kết, khả năng nhân rộng cao và làm chủ công nghệ sản xuất.
Cụ thể hóa mục tiêu, thị xã Đông Triều đã lập đề án đề nghị công nhận thị xã Đông Triều là đô thị loại III, trực thuộc tỉnh Quảng Ninh và được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị Quyết số 237/NQ-HĐND ngày 7.12.2019, Bộ Xây dựng công nhận tại Quyết định số 1359/QĐ-BXD ngày 20.10.2020.
Thời gian qua, địa phương tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Hiện thị xã đã và đang triển khai 42 dự án đầu tư, xây dựng và kinh doanh hạ tầng. Trong đó, 7 dự án đang triển khai lập quy hoạch, 35 dự án đã được phê duyệt quy hoạch, 11 dự án đã lựa chọn nhà đầu tư.
Đến nay trên địa bàn thị xã cũng đã hình thành 7 khu dân cư, khu đô thị mới, thu hút 4.432 hộ dân với dân số trên 15.500 người. Thực hiện theo quy hoạch chung thị xã, quy hoạch phân khu được phê duyệt, UBND thị xã đã mời gọi, thu hút 8 dự án đã có quy hoạch chi tiết, đang triển khai các thủ tục đầu tư và 5 khu dân cư, khu đô thị đăng ký đầu tư mới có khả năng thu hút khoảng 25.000 - 35.000 người.
Thị xã đầu tư xây dựng và hoàn thiện việc kết nối các tuyến đường trọng yếu: Đường ven sông, đường trung tâm thị xã, cầu Triều, đường dẫn nối Quốc lộ 18 với đường tỉnh 389 - tỉnh Hải Dương...; tiếp tục thu hút và thực hiện các dự án động lực như tổ hợp sân Golf Khe Chè, phát triển các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp trên địa bàn nhằm thu hút khách du lịch đến với Đông Triều.
Ông Nguyễn Văn Công – Bí thư Huyện ủy Đông Triều cho biết: “Đến nay thị xã Đông Triều là một trong những địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có hệ thống văn bản pháp lý đầy đủ nhất về công tác định hướng phát triển. Hiện hồ sơ nâng cấp lên thành phố đang gửi Bộ Xây dựng để thẩm định, đánh giá, sau đó sẽ chuyển Bộ Nội vụ để triển khai các bước tiếp theo.
“Trong quá trình lập quy hoạch, địa phương rất quan tâm đến quản lý sử dụng hiệu quả đất đai, bố trí không gian đô thị. Hiện nay, Đông Triều có 11 xã, thời gian tới, thị xã sẽ chuyển 4 xã lên phường. Hiện có 9/11 xã nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu, phấn đấu trong năm là địa phương đầu tiên hoàn thành 100% xã NTM kiểu mẫu.”
“Chúng tôi xác định sẽ phát triển theo mô hình đô thị trong nông thôn, phố trong làng. Do vậy, các công trình hạ tầng tuy xây dựng ở vùng nông thôn nhưng tiêu chí xây dựng là theo đô thị. Đồng thời, địa phương sẽ chủ động triển khai công tác giải phóng mặt bằng, quy hoạch quỹ đất tái định cư đi trước 1 bước, quỹ đất nhà ở xã hội; Chú trọng thu hút đầu tư, công bố công khai các danh mục dự án thu hút đầu tư, tập trung huy động các nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế” - ông Nguyễn Văn Công – Bí thư huyện ủy Đông Triều thông tin thêm.
Theo điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2040, thị xã tiếp tục xây dựng, phát triển Đông Triều đảm bảo các tiêu chí trở thành thành phố trong giai đoạn đến năm 2025 và phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại II trong giai đoạn 2026-2030, hướng tới tiêu chuẩn đô thị loại I theo lộ trình tỉnh Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong đó, thị xã bổ sung quy hoạch Khu công nghiệp Đông Triều II 400 - 500ha, cụm Công nghiệp (CCN) Yên Thọ 50 - 70ha, hình thành làng nghề sản xuất gốm sứ tập trung 44ha phía Đông CCN Yên Thọ. Dần đóng cửa mỏ đối với khai thác lộ thiên, tập trung vào khai thác hầm lò, nâng công suất theo quy hoạch ngành than tại các khu vực mỏ Mạo Khê, Tràng Bạch, Nam Tràng Bạch, Đông Tràng Bạch, Hồ Thiên, Khe Chuối...