Vững bước trên con đường phát triển

20/09/2023 11:34

Thực hiện lời dạy của Bác “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”, 60 năm qua, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục Quảng Ninh luôn nỗ lực khắc phục khó khăn, giữ vững ngọn lửa đam mê với sự nghiệp "trồng người", không ngừng đổi mới, sáng tạo, thi đua dạy tốt; là tấm gương sáng về đạo đức, sự tận tụy, tâm huyết với nghề. Đồng thời, cùng với sự quan tâm, dành nguồn lực đầu tư, chăm lo phát triển sự nghiệp GD&ĐT, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng được hệ thống trường lớp đến tận các khe, bản, vùng sâu, vùng xa, theo hướng kiên cố hóa và cao tầng hóa, chuẩn hóa về thiết bị dạy học. Nhờ đó, chất lượng giáo dục không ngừng được nâng lên.

Những "chiến sĩ" trên mặt trận giáo dục

Ngày 30/10/1963, Quốc hội quyết nghị hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng. Tỉnh Quảng Ninh thành lập chưa lâu lại phải đối mặt với cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ. Ngay từ ngày đầu đế quốc Mỹ dùng máy bay đánh phá miền Bắc (5/8/1964), suốt trong 4 năm trên địa bàn Quảng Ninh liên tiếp có chiến sự.

Thực hiện tinh thần chuyển hướng công tác “từ thời bình sang thời chiến”, Quảng Ninh đã xác định “Quyết tâm giữ vững và phát triển sự nghiệp giáo dục trong mọi tình huống”. Toàn ngành giáo dục đã dấy lên phong trào thi đua “3 đảm bảo” (đảm bảo an toàn, đảm bảo số lượng và đảm bảo chất lượng). Nhiều trường học ở ngay trong vùng địch thường đánh phá đã nêu cao khẩu hiệu “Trường học là chiến hào, thầy trò là chiến sĩ, quyết tâm trở thành dũng sĩ quê hương”.

Mặc dù giặc Mỹ đánh phá ác liệt, phải sơ tán trong rừng, nhưng giáo viên và học sinh TX Cẩm Phả vẫn “dạy tốt, học tốt”. Nguồn: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh

Các trường học được sơ tán xa mục tiêu trọng điểm. Nhiều trường phổ thông trở thành trường có nội trú, thầy trò tự tổ chức đời sống và trường lớp ở nơi sơ tán để học tập. Các biện pháp đảm bảo an toàn như: Đào hầm, hào, hạ nền lớp học, đắp lũy kiên cố quanh lớp học, huấn luyện cho thầy trò về phương pháp cứu thương, tổ chức tốt việc đi lại cho thầy trò trên đường từ nhà tới trường học, đi học có túi thuốc phòng không, có mũ rơm, nắp hầm rơm mang theo... đã được coi trọng trong các trường học.

Nhớ về những năm tháng gian khổ ấy, ông Nguyễn Khuê Bích, nguyên giáo viên Trường THPT Bạch Đằng (TX Quảng Yên) cho biết: Vào năm học 1965-1966, Phân hiệu cấp 3, Trường cấp 2-3 Quảng Yên sơ tán về xóm Đình (xã Tiền An). Nhưng do cuộc chiến tranh ngày càng ác liệt, trên địa bàn xã Tiền An có nhiều đơn vị bộ đội cao xạ và tên lửa trực chiến, vì vậy theo hướng dẫn của Tỉnh Đội Quảng Ninh, trường tiếp tục di chuyển sang xã Hoàng Tân. Những ngày địch đánh phá ác liệt, các lớp học phải sơ tán vào rừng, học sinh tự sắm bàn kiểu ghế chữ K để kê, còn thầy cô giáo đem theo bảng giấy dầu hoặc bảng gỗ nhỏ. Các lớp học được dựng ở chân núi đá xóm Núi Đụn, sau đó chuyển về các vườn nhãn của nhân dân xóm Cành Chẽ. Tại nơi ở trọ của thầy và trò đều được làm hầm chữ A, ở các lớp học được đắp lũy xung quanh bằng đất, có giao thông hào từ lớp dẫn ra các hầm quanh vườn. Sau này do đất sét đắp lũy nhiễm mặn nên nhiều cây nhãn cổ thụ của nhân dân bị chết, nhưng vì sự an toàn của học sinh nên cũng không ai kêu ca thiệt hại...

Phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt" được phát động rộng rãi, được đông đảo giáo viên và học sinh tham gia sôi nổi. (Trong ảnh: Lớp học xóa mù chữ cho đồng bào DTTS tại huyện Bình Liêu). Ảnh: Cao Quỳnh

Mặc dù vậy, trong suốt thời gian có chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (từ 5/8/1964 đến cuối tháng 12/1972), ngành giáo dục đã đảm bảo được an toàn gần như tuyệt đối cho thầy và trò. Có những trường như Trường cấp I-II Tân Việt (Đông Triều) bị bom Mỹ dội trúng lớp ngay trong giờ học, song thầy và trò vẫn an toàn. Tuy vậy, hàng trăm trường học đã bị phá hủy hoàn toàn, hàng vạn bộ bàn ghế bị hư hại, hàng chục vạn cuốn sách đã bị đốt cháy và vùi lấp. Có những cô giáo như cô Nguyễn Thị Liệu (Yên Đức, Đông Triều), Nguyễn Thị Châu (Hòn Gai) và một số học sinh đã bị chết vì bom Mỹ.

Có những cô giáo, thầy giáo đã bị thương tật trở thành tàn phế như cô giáo Ngô Thị Nga (Cẩm Phả) bị bom bi bắn vào đầu, đã tham dự Toà án quốc tế Béctơrăng Rutxen ở Stockhom (Thụy Điển) năm 1968, mạnh mẽ tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ trước nhân dân thế giới. Có rất nhiều tấm gương cảm động về tình thầy trò, tình bạn học trong những năm gian khổ và ác liệt ấy. Bên cầu Tràng Bạch, một học sinh lớp 4 đã lấy thân mình che chắn cho các em lớp nhỏ, dũng cảm hy sinh, gây xúc động mạnh.

Trường Mầm non Bình Dương (TX Đông Triều) có 100% cán bộ, giáo viên đạt chuẩn. Ảnh: Trung Anh

Đất nước thống nhất, Quảng Ninh cùng cả nước bước vào giai đoạn phục hồi sau chiến tranh và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đây cũng là thời gian gian khổ của ngành giáo dục Quảng Ninh và cả tỉnh khi trong thời kỳ bao cấp, thiếu thốn đủ thứ. Cả đội ngũ giáo viên, học sinh đều thiếu thốn lương thực, các trường học, lớp học còn sơ sài, nhiều nơi đường vào trường gập ghềnh, lầy lội, các thầy cô giáo lên lớp phải xắn quần lội qua.

Mặc dù khó khăn, nhưng phong trào bổ túc văn hóa, xoá nạn mù chữ được thực hiện dưới nhiều hình thức thích hợp, như “Chiến dịch diệt giặc dốt” ở vùng cao và hải đảo, mở lớp xóa nạn mù chữ ở các địa phương. Các cơ quan, xí nghiệp có lớp bổ túc văn hóa tập trung, các xã có lớp bổ túc văn hóa ban đêm. Trường bổ túc văn hóa công nông và trường vừa học vừa làm được mở ở tỉnh và các huyện. Hằng năm có 11.000-12.000 người theo học bổ túc văn hóa. Nạn mù chữ căn bản được xoá ở các xã vùng thấp và trong cán bộ, thanh niên vùng cao. Phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt" được phát động rộng rãi trong nhiều năm, được đông đảo giáo viên và học sinh tham gia sôi nổi.

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trò chuyện với học sinh Trường THPT Cẩm Phả (TP Cẩm Phả) trong ngày khai giảng năm học 2023-2024. Ảnh: Thu Chung

Vượt qua bom đạn chiến tranh, qua những khó khăn của thời kỳ bao cấp hay giai đoạn đầu thực hiện đổi mới, sự nghiệp giáo dục của Quảng Ninh ngày càng phát triển với quy mô lớn. Đến năm học 2023-2024, Quảng Ninh có trên 360.000 học sinh, trẻ mầm non (tăng so với năm học trước hơn 8.300 em) học tập tại 629 trường học, cơ sở giáo dục (trong đó có trên 90% số trường, cơ sở đạt chuẩn quốc gia). Toàn tỉnh có hơn 22.700 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong tất cả các cấp học, bậc học. Tỷ lệ chuẩn trình độ đào tạo của đội ngũ cán bộ, giáo viên theo từng cấp học khá cao, từ 83% trở lên. Riêng cấp THPT, trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên chiếm 100%, trong đó trên chuẩn chiếm 20,31%...

Sự nghiệp "trồng người"

Trong quá trình phát triển, Quảng Ninh luôn nhất quán quan điểm “Giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, được ưu tiên đi trước một bước trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội”. Tỉnh luôn tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và dành nguồn lực đầu tư, chăm lo phát triển sự nghiệp GD&ĐT; coi đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những khâu đột phá nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh. Hằng năm, ngân sách chi cho lĩnh vực GD&ĐT chiếm khoảng 20% tổng chi ngân sách của tỉnh, trong đó, chi thường xuyên cho giáo dục chiếm khoảng 30-35% tổng chi thường xuyên.

Quảng Ninh luôn tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và dành nguồn lực đầu tư, chăm lo phát triển sự nghiệp GD&ĐT. (Trong ảnh: Trường THPT Hòn Gai)

Nhờ đó, từ tình trạng một tỉnh có nền GD&ĐT thiếu trường lớp, thiếu giáo viên ở các vùng miền núi, hải đảo, vùng đồng bào DTTS, đến nay Quảng Ninh đã bứt phá mạnh mẽ, xây dựng được hệ thống trường lớp đến tận các khe, bản, vùng sâu, vùng xa, theo hướng kiên cố hóa và cao tầng hóa, chuẩn hóa về thiết bị dạy học. Tính đến năm 2021, toàn tỉnh đã không còn phòng học tạm. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 643 cơ sở giáo dục (mầm non: 224; tiểu học: 159; THCS: 188; THPT: 58; GDTX: 14). Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Tỷ lệ kiên cố hóa trường học cấp học mầm non đạt 89%, cấp tiểu học đạt 90%, THCS đạt 76%, THPT đạt 79%. Tỷ lệ nhà vệ sinh đạt chuẩn theo từng cấp học, mầm non đạt 80%, tiểu học, THCS, THPT đạt 70%. Tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 92,1%. 100% cơ sở giáo dục đều sử dụng nguồn nước sạch hợp vệ sinh và nhà công vụ giáo viên được xây dựng, sửa chữa kịp thời, tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên, nhân viên yên tâm công tác. Số lượng, tỷ lệ trường đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục, chuẩn quốc gia không ngừng được nâng cao. Tính đến tháng 6/2023, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia là 89,19%, ước tính đến hết năm 2023 tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 90,14%.

Học sinh Trường THCS Lê Văn Tám (TP Hạ Long) chữa bài tập trên bảng thông minh. Ảnh: Hoàng Nga

Các loại hình giáo dục từng bước được đa dạng hóa với nhiều hình thức dạy học, như các lớp học 2 buổi/ngày, các lớp bán trú dân nuôi, các trường PTDTBT, PTDTNT cho con em đồng bào DTTS, trường trọng điểm và trường chuyên biệt để phát hiện và bồi dưỡng học sinh năng khiếu.

Các phương thức đào tạo phát triển nhanh, bao gồm: Đào tạo tập trung, tại chức, từ xa, liên kết đào tạo trong và ngoài nước... Nội dung và chương trình, sách giáo khoa được đổi mới theo hướng “học đi đôi với hành”, đào tạo gắn với yêu cầu của thị trường lao động. Quảng Ninh cũng tích cực, chủ động triển khai, tổ chức thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018, là tỉnh nằm trong top đầu của cả nước, được Bộ GD&ĐT đánh giá cao trong công tác bồi dưỡng các mô-đun thực hiện chương trình; đảm bảo 100% giáo viên, cán bộ được tham gia tập huấn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tập huấn sử dụng sách giáo khoa được các cơ sở giáo dục lựa chọn.

Quảng Ninh đã hoàn thành biên soạn và thẩm định 12 cuốn tài liệu giáo dục địa phương của các cấp học từ tiểu học đến THPT, vượt tiến độ trước 3 năm theo lộ trình thẩm định và phê duyệt của Bộ GD&ĐT. Đến nay, 100% trường phổ thông trong toàn tỉnh đã triển khai nội dung giáo dục địa phương đúng hướng dẫn (lớp 1, 2, 3 đối với cấp tiểu học; lớp 6, 7 đối với cấp THCS, lớp 10 đối với cấp THPT). Năm học 2022-2023, 100% học sinh các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh có đầy đủ sách giáo khoa đáp ứng yêu cầu dạy và học.

Đội thi của Trường THPT Chuyên Hạ Long đoạt HCĐ tại Kỳ thi quốc tế về khoa học đời sống - Global Competition for Life Sciences (GLOCOLIS 2021). Ảnh: Lan Anh

Cùng với đó, tỉnh đã và đang tích cực triển khai xây dựng, hoàn thiện nhiều đề án để thúc đẩy sự phát triển GD&ĐT. Đó là đề án “Cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất ngành giáo dục tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2022-2025”; đề án “Phát triển giáo dục, đào tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”; đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục phổ thông giai đoạn 2021-2025”; đề án “Phát triển giáo dục mầm non tư thục giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”. Đã hoàn thiện để báo cáo đề án “Phát triển Trường PTDTNT chất lượng cao tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Hà Chi


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin sở ban ngành
Bản đồ

Lịch công tác trống

Tin tiêu điểm
Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 16076
Đã truy cập: 68173126

© Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh

Giấy phép xuất bản: số 53/GP-TTĐT ngày 27/05/2015 - Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông.

- Cơ quan chủ quản: Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh.

- Cơ quan quản lý nhà nước và thường trực kỹ thuật: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh.

- Quản lý nội dung trang chủ: Trung tâm Truyền thông tỉnh.

- Quản lý nội dung các Cổng thành phần: Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức. 

Ghi rõ nguồn "Quảng Ninh Portal" khi phát hành lại thông tin từ  Website này.