Phát động cuộc thi tiếng hát hữu nghị Việt - Trung 2022 (Thoidai.com.vn 28/11)
Cuộc thi Tiếng hát hữu nghị Việt Trung 2022 do Trung tâm truyền thông tỉnh Quảng Ninh và Đài PTTH Quảng Tây (Trung Quốc) đồng tổ chức sẽ diễn ra trong tháng 12 năm 2022.
Cuộc thi nhằm kỷ niệm 72 năm thiết lập ngoại giao giữa Việt Nam - Trung Quốc, xúc tiến giao lưu văn hóa, tăng cường tình hữu nghị và sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước. Chủ đề cuộc thi là ca ngợi vẻ đẹp quê hương, đất nước Việt Nam, Trung Quốc và tình hữu nghị giữa hai nước Việt - Trung.
Đối tượng tham gia là các cá nhân hay nhóm thí sinh (không quá 6 người) là công dân Việt Nam từ 16 đến 60 tuổi, có hiểu biết về văn hóa hai nước Việt Nam, Trung Quốc và quan hệ hữu nghị Việt - Trung.
Ưu tiên những người biết 2 ngôn ngữ Việt Nam, Trung Quốc, có niềm đam mê nghệ thuật, có thể tự hoàn thành các tiết mục biểu diễn bài hát Việt Nam và Trung Quốc, cá nhân hay nhóm thí sinh đều có thể đăng ký tham gia cuộc thi.
Thí sinh tham gia mỗi vòng thi sẽ hát một bài hát Việt Nam và một bài hát Trung Quốc phù hợp với quy định của hai nước, có nội dung ca ngợi quê hương đất nước và tình hữu nghị giữa hai quốc gia.
Tùy theo từng vòng thi, cuộc thi tiếng hát hữu nghị Việt - Trung 2021 sẽ được tổ chức theo hình thức trực tuyến và trực tiếp. Cuộc thi bao gồm vòng loại, vòng bán kết, vòng chung kết Việt Nam và vòng chung kết quốc tế.
Giải thưởng bao gồm: 2 giải nhất trị giá mỗi giải 40 triệu đồng cùng giấy chứng nhận. 2 giải nhì trị giá mỗi giải 30 triệu đồng cùng giấy chứng nhận. 2 giải ba trị giá mỗi giải 20 triệu đồng cùng giấy chứng nhận. 4 giải giọng hát hay trị giá mỗi giải 10 triệu đồng cùng giấy chứng nhận. 1 giải bình chọn thí sinh được yêu thích nhất trị giá 5 triệu đồng cùng giấy chứng nhận.
Nam sinh lớp 7 kéo người đàn ông khỏi đường ray khi tàu hỏa đang lao đến (Vietnamnet.vn 28/11; Laodong.vn 28/11; Baogiaothong.vn 28/11)
Hiệu trưởng Trường THCS Cẩm Thịnh (TP Cẩm Phả, Quảng Ninh) - bà Nguyễn Thị Hồng cho biết chiều 28/11, nhà trường sẽ phối hợp với thành Đoàn TP Cẩm Phả khen thưởng em Hoàng Mạnh Chiến, là học sinh lớp 7A2, vì đã dũng cảm cứu người trong gang tấc.
Trước đó, khoảng 19h30 tối ngày 26/11, Ông Nguyễn Thanh Vót (ở tổ 4, khu 7B, phường Cẩm Thịnh) đi xe máy đến đoạn đường cắt ngang đường sắt thì bất ngờ bị ngã.
Lúc này, ông Vót không tự đứng dậy được, trong khi đó đoàn tàu kéo than từ hướng TP Cẩm phả về phường Cửa Ông đang lao tới gần.
Thấy vậy, em Chiến đang đạp xe gần đó liền quăng xe đạp chạy tới kéo ông Vót ra khỏi đường sắt. Chiến vừa kéo được ông Vót ra ngoài thì tàu hoả lao vụt qua.
Ông Vót chỉ bị thương nhẹ ở tai trái và tay trái do thanh gạt của đầu tàu hoả va vào. Xe máy của ông Vót bị tàu hoả đẩy trượt đi khoảng 3 mét rồi văng ra ngoài. Sau đó, nhiều người dân đã tới hỗ trợ.
"Em Chiến ở trường rất ngoan và hoà đồng, học giỏi. Nhà trường khen thưởng em để biểu dương và nêu gương người tốt việc tốt", bà Nguyễn Thị Hồng cho hay.
Bảo đảm an ninh, an toàn Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc (Cand.com.vn 28/11; Công an nhân dân 28/11, tr6)
Không chỉ là địa điểm tổ chức lễ khai mạc và bế mạc, Quảng Ninh còn là nơi diễn ra nhiều môn thi đấu của Đại hội thể dục thể thao (TDTT) toàn quốc lần thứ IX năm 2022. Để bảo đảm an toàn cho sự kiện quan trọng này, Công an tỉnh Quảng Ninh đã chủ động triển khai các phương án, huy động nhiều lực lượng, quyết tâm không để xảy ra các tình huống đột xuất, bất ngờ về ANTT trong những ngày diễn ra Đại hội.
Cụ thể, lễ khai mạc Đại hội sẽ diễn ra vào ngày 9/12, tại Quảng trường Sun Carnival Hạ Long (TP Hạ Long) và lễ bế mạc vào ngày 21/12, tại Nhà thi đấu đa năng (phường Đại Yên, TP Hạ Long). Tại 10 địa điểm thuộc TP Hạ Long, TP Cẩm Phả và TX Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh), sẽ diễn ra 21/43 môn thi đấu của Đại hội. Số lượng đoàn tham gia dự kiến là 65 đoàn từ 63 tỉnh, thành phố và 2 ngành (Công an, Quân đội) với khoảng 8.000 cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên và 1.600 trọng tài.
Theo đó, Quảng Ninh đã và đang vào cuộc chủ động, tích cực các công tác rà soát, chuẩn bị cho đại hội từ cơ sở vật chất đến nguồn nhân lực phục vụ. Tại các địa điểm diễn ra các sự kiện và hoạt động thi đấu, Công an các đơn vị, địa phương cũng đã tiến hành tổng kiểm tra trang thiết bị PCCC, khảo sát, triển khai phương án, cứu nạn cứu hộ phục vụ các đoàn thi đấu và cổ động viên tới cổ vũ.
Đại úy Lã Quý Tuyên, Đội Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an TP Cẩm Phả cho biết: "Trong các ngày diễn ra thi đấu các trận bóng đá tại Sân vận động Cẩm Phả sẽ có cán bộ kiểm tra hàng ngày hệ thống PCCC. Đồng thời bố trí lực lượng, đảm bảo quân số của nhân viên và cơ sở thường trực làm nhiệm vụ.
Công an các đơn vị, địa phương cũng phối hợp với Sở VHTT, chính quyền các địa phương xây dựng phương án bảo đảm ANTT, an ninh, an toàn cho các đại biểu, nhân dân và vận động viên. Đồng thời chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các đối tượng có hành vi gây rối TTCC, lợi dụng đông người để thực hiện hành vi phạm tội. Tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước về TTXH, như kiểm tra tạm trú, tạm vắng, kiểm tra các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
Theo Thiếu tá Phan Hùng Sơn, Phó đội trưởng Đội An ninh (Công an TP Cẩm Phả), lực lượng Công an sẽ tăng cường công tác nắm, dự báo tình hình về các loại tội phạm cũng như hành vi vi phạm pháp luật có thể xảy ra trong thời gian diễn ra Đại hội để triển khai các biện pháp nghiệp vụ từ các đội nghiệp vụ tới Công an các phường, xã. Chủ động xây dựng phương án phòng ngừa đấu tranh từ sớm từ xa và giải quyết các nguy cơ tiềm ẩn về ANTT từ cơ sở, bảo đảm ANTT cho Đại hội.
Để bảo đảm việc di chuyển của các vận động viên, cổ động viên và nhân dân thuận lợi, an toàn, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt và Công an các địa phương đã ra quân cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm TTATGT, TTXH. Sẵn sàng phương án phân luồng bảo đảm giao thông trên tất cả các tuyến, đặc biệt là những tuyến đường dẫn vào địa điểm thi đấu, nơi ăn nghỉ của vận động viên… Thượng tá Nguyễn Thành Trung, Phó trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt cho biết, đơn vị đã quán triệt đến toàn thể CBCS nêu cao tinh thần trách nhiệm, đặc biệt là tinh thần ứng trực, chấp hành nghiêm quy trình công tác, văn hóa ứng xử, đảm bảo hoàn thành tất cả các chỉ tiêu công tác.
Còn theo Trung tá Vũ Đình Sơn, Đội trưởng Đội CSGT-TT (Công an TP Cẩm Phả), đây là sự kiện lớn thu hút rất đông người đến tham dự và theo dõi cùng lượng lớn phương tiện. Vì vậy, đơn vị cũng sẽ tăng cường lực lượng tối đa phối hợp với Thanh tra giao thông, Phòng CSGT phân luồng từ Quốc lộ 18 vào nội thị để đảm bảo tuyệt đối an toàn.
Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ IX năm 2022, là sự kiện thể thao thành tích lớn nhất quốc gia, cùng với việc góp phần quan trọng làm nên thành công của Đại hội, Công an tỉnh Quảng Ninh cam kết sẽ nỗ lực đảm bảo an ninh, an toàn, để tiếp tục quảng bá và khẳng định Quảng Ninh là điểm đến lý tưởng.
Quảng Ninh quyết liệt ngăn chặn khai thác thủy sản tận diệt (VOV.vn 27/11)
Từ đầu năm tới nay, tỉnh Quảng Ninh phát hiện và xử lý hơn 660 trường hợp vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 5,6 tỷ đồng. Đây là biện pháp quyết liệt Quảng Ninh triển khai nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Dịp cuối năm là thời điểm các tàu cá thường lợi dụng diễn biến thời tiết phức tạp để tổ chức đánh bắt thủy sản bằng các loại ngư cụ đã bị cấm. Thống kê chưa đầy đủ cho thấy chỉ trong tháng 11 qua đã có hàng chục vụ ngư dân bị phát hiện đang khai thác thủy hải sản bằng hình thức "giã cào" - phương pháp đánh bắt mang tính hủy diệt.
Thiếu tá Đinh Trung Giáp, Phó hải đội trưởng, Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh cho biết: "Đơn vị rất quyết liệt, tổ chức các đợt tuần tra kiểm soát và thường xuyên tổ chức từ 2 đến 4, hoạt động trên biển để tuần tra, kiểm soát trên các vùng biển, để đảm bảo an ninh trật tự vùng biển.
Bắt đầu từ tháng 10/2022 đã xuất hiện các tàu từ các địa phương khác như Thanh Hóa, Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định khai thác Sò nhám ở vùng biển Quảng Ninh. Sau khi khai thác họ đóng bao, vận chuyển bằng Container đông lạnh vào vùng Phú Yên, Khánh Hòa để làm thức ăn cho tôm hùm, cua...".
Bên cạnh việc kiểm tra, xử phạt, các địa phương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động ngư dân chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản - nhất là tại các vùng biển vừa được quy hoạch là khu bảo tồn biển như Cô Tô, đảo Trần hay các khu vực đã được khoanh vùng bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ; tiến hành thả con giống bổ sung nguồn lợi thủy sản cho tự nhiên.
Bà Đặng Thị Việt Hương, Trưởng phòng nghiệp vụ, Chi cục Thủy sản, tỉnh Quảng Ninh cho biết: "Năm nay, ngành thủy sản Quảng Ninh phối hợp với Tổng cục Thủy sản thả hơn 20 triệu con giống xuống vịnh Bắc Bộ, trong đó có 8 triệu con giống thủy sản được thả ở vịnh Hạ Long".
Cũng theo bà Hương: "Hiện nay nguồn lợi thủy sản đang có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ nhất là trữ lượng thủy sản. Đây là kết quả điều tra nguồn lợi thủy hải sản ven bờ, vùng lộng do Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn và Viện nghiên cứu Tài nguyên môi trường biển và Viện nghiên cứu Hải sản thực hiện...
Quan trọng nhất là nhận thức của ngư dân, cộng đồng dân cư ven biển đã tốt lên rất nhiều, đặc biệt người dân đã tự giác và triển khai ký cam kết bảo vệ khai thác, bảo vệ môi trường và ký cam kết không vi phạm khai thác tại vùng biển nước ngoài".