Theo báo cáo của thành phố, 6 chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra là: GRDP bình quân đầu người; giá trị tăng thêm ngành dịch vụ và thuế; thu ngân sách nhà nước; giảm nghèo; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế; giáo dục và đào tạo.
Cán bộ TP Uông Bí kiểm tra hệ thống giám sát tại Công ty CP Phát triển Tùng Lâm.
Ông Bùi Huy Thục, Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch thành phố, cho biết: Đối với chỉ tiêu giá trị tăng thêm ngành dịch vụ và thuế và chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước, kế hoạch đặt ra tuy cao, nhưng thành phố đã xuất sắc đạt được. Cụ thể, kế hoạch giá trị tăng thêm ngành dịch vụ và thuế là 13,5%, kết quả đạt 15,5%. Kế hoạch thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 3.311 tỷ đồng, kết quả đạt 3.642 tỷ đồng, vượt 10%; kế hoạch thu ngân sách địa phương trên địa bàn là 895 tỷ đồng, kết quả đạt 1.039 tỷ đồng, vượt 10%.
Năm 2022, chính sách thu có biến động, ảnh hưởng đến nguồn thu. Cụ thể, tỉnh thay đổi cơ cấu điều hành thu tiền sử dụng đất, trung ương cho giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8%, giảm thu thuế môi trường đối với mặt hàng xăng dầu xuống 50% so với trước đây. Đến cuối tháng 11/2022 có 12/13 hạng mục thu, thành phố đã đạt và vượt kế hoạch đề ra (hạng mục chưa đạt là thu thuế bảo vệ môi trường do ảnh hưởng của số thu mặt hàng xăng dầu); trong đó 7 hạng mục thu vượt cao so với kế hoạch: Thuế doanh nghiệp nhà nước địa phương, thuế doanh nghiệp ngoài nhà nước, thuế thu nhập cá nhân, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, tiền thuế đất, tiền thu cấp quyền khai thác, thu khác ngân sách.
Lãnh đạo TP Uông Bí thị sát tuyến đường bộ hành hương Yên Tử.
Các ngành dịch vụ, giao thông vận tải, thương mại, du lịch đều có sự chuyển động mạnh mẽ. Cụ thể: Tổng mức luân chuyển hàng hóa tăng trưởng 15%; giao thông vận tải doanh thu trên 1.110 tỷ đồng; du lịch dự kiến cả năm đón 2,4 lượt triệu du khách, doanh thu 1.180 tỷ đồng, tăng gần 200% so với năm 2021.
Một trong những chuyển động đáng chú ý của thành phố là tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội tăng cao, dự kiến cả năm đạt là 10.125 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2021, tăng hơn 6% so với kế hoạch đề ra. Theo ông Nguyễn Đức Tiệp, Phó Chủ tịch UBND thành phố, nguồn vốn huy động đầu tư của các doanh nghiệp ngoài nhà nước 11 tháng tăng 40% so với cùng kỳ năm 2021, cho thấy sự lớn mạnh, trỗi dậy của doanh nghiệp khu vực này, đồng thời cũng cho thấy vai trò hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp của thành phố, từ đó tạo động lực phát triển trên địa bàn.
Từ đầu năm đến nay, những giải pháp xúc tiến đầu tư, thu hút doanh nghiệp, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp của thành phố đã trở thành một trong những động lực cho doanh nghiệp phát triển. Nhiều doanh nghiệp công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ dần phục hồi sau đại dịch Covid-19, củng cố, ổn định tiềm lực, mở rộng hạng mục đầu tư sản xuất, mang lại doanh thu, lợi nhuận, tái đầu tư trở lại cho sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp cơ khí, chế tạo ngày càng thể hiện vị trí, vai trò trong cộng đồng doanh nghiệp nói chung, đáp ứng mục tiêu bệ đỡ, tác động đến các ngành nghề kinh tế khác phát triển, bao gồm cả kinh tế mỏ.
Du thuyền 6 sao của Việt Thuận Group phục vụ đối tượng khách hạng sang tham quan Vịnh Hạ Long.
Tiêu biểu, doanh nghiệp tư nhân Công ty TNHH Vận tải Việt Thuận (Việt Thuận Group, trụ sở phường Quang Trung) tiếp tục giữ vững vị trí doanh nghiệp vận tải thủy tăng trưởng ổn định trong cả nước. Từ đầu năm 2022, Việt Thuận Group tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa các hạng mục đầu tư sản xuất, kinh doanh. Mới đây nhất, Công ty khởi động dự án bệnh viện và trường học chất lượng cao; tháng 11/2022 hạ thủy du thuyền 6 sao, đưa vào hoạt động trên Vịnh Hạ Long, góp phần tạo thêm một dịch vụ du lịch hạng sang cho Quảng Ninh.
Từ những sự chuyển động, kết quả phát triển kinh tế - xã hội khẳng định sự điều hành hiệu quả của các cấp chính quyền thành phố; sự đồng thuận, chung tay của doanh nghiệp, người dân trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trên địa bàn.